Thủ tướng yêu cầu trong ngày mai (11/4) thành lập đoàn đàm phán với Mỹ do Bộ trưởng Công Thương làm trưởng đoàn, đồng thời xây dựng kịch bản, phương án phù hợp.
Chiều nay (10/4), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp thứ 4 của Thường trực Chính phủ về việc ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Các ý kiến tại cuộc họp đánh giá đến thời điểm này, phản ứng và thực thi chính sách của Việt Nam là kịp thời, phù hợp. Mỹ đã đồng ý và tuyên bố đàm phán thỏa thuận về thương mại đối ứng với Việt Nam với mục tiêu giảm thâm hụt thương mại giữa 2 nước, bảo đảm cân bằng bền vững, lâu dài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thời gian tới cần tiếp tục nắm chắc diễn biến tình hình và kịp thời đề xuất, thực thi chính sách.
"Mục tiêu cụ thể là ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách; ổn định tâm lý nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp, người dân thích ứng linh hoạt với tình hình mới, giảm phụ thuộc vào một thị trường, thúc đẩy đầu tư của nước ngoài, thu hút FDI tốt hơn, chất lượng hơn" - người đứng đầu Chính phủ lưu ý.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh đây là thời cơ để tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng xanh hóa, số hóa, phát triển nhanh nhưng bền vững; tái cấu trúc lại doanh nghiệp; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đầu tư chất lượng cao, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy doanh nghiệp lớn lên, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng yêu cầu không để xảy ra thất nghiệp, nhất là trong các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản; hỗ trợ các đối tượng có trọng tâm, trọng điểm; xác định rõ phạm vi, đối tượng, thời hạn và nguồn lực cụ thể.
Về chính sách tài khóa, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành cần thực hiện ngay những giải pháp giãn, hoãn thuế thuộc thẩm quyền. Việc hoàn thuế VAT phải nhanh chóng, kịp thời đi kèm cắt giảm thủ tục hành chính; rà soát các khoản xuất nhập khẩu để giảm thuế, bảo đảm mặt bằng phù hợp, cân đối; đi cùng với đó là thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tạo công ăn việc làm.
Đối với chính sách tiền tệ, Thủ tướng lưu ý ổn định tỷ giá, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất; thực hiện khoanh nợ, giãn, hoãn nợ; đề xuất, triển khai các giải pháp, như các gói tín dụng ưu đãi với một số lĩnh vực để kích cầu tiêu dùng trong nước, bảo đảm dự trữ ngoại hối...
Ngoài ra, việc cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Nghị quyết của Chính phủ; phấn đấu năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh.
Đối với nhóm giải pháp chính sách thương mại, Thủ tướng yêu cầu tận dụng tốt hơn 17 FTA đã ký, tiếp tục mở thị trường mới, giải quyết phù hợp những vấn đề Mỹ quan tâm như xuất xứ hàng hóa, hàng rào phi thuế quan, sở hữu trí tuệ; tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ và các nước...
Về chính sách an sinh xã hội, Thủ tướng chỉ đạo rà soát, đề xuất hỗ trợ số lao động bị ảnh hưởng; hỗ trợ người sử dụng lao động, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm; nghiên cứu, bổ sung các chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt tối thiểu cho người lao động; đẩy mạnh chương trình nhà ở xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát…
Các bộ, ngành tiếp tục tham khảo ý kiến bạn bè quốc tế, đồng thời bảo đảm thực hiện các cam kết của Việt Nam với các nước và không để gian lận thương mại.
Theo Thế Vinh (VietNamNet)